Vai trò của hệ tiêu hóa đối với sức khỏe?

Hệ tiêu hóa là một hệ thống phức tạp và quy mô gồm nhiều cơ quan thực hiện vai trò dung nạp, phân tách, chuyển hóa thực phẩm, chuyển hóa chất và đào thải chất dư thừa để duy trì sự hoạt động cho những hệ thống khác của cơ thể. Chỉ cần một trục trặc nhỏ của hệ tiêu hóa, cơ thể bạn sẽ nhanh chóng có những dấu hiệu bất thường gây ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt và sức khỏe. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những vai trò cụ thể của từng cơ quan tiêu hóa và những thói quen tốt giúp bảo vệ sức khỏe hệ tiêu hóa toàn diện.

Hệ tiêu hóa có vai trò gì?

Các cơ quan thuộc hệ tiêu hóa được chia làm 2 nhóm chính: ống tiêu hóa và tuyến tiêu hóa. Mỗi bộ phận đều mang chức năng đặc trưng và quan trọng.

Ống tiêu hóa gồm: 

  • Miệng: nơi tiếp nhận thức ăn và tiến hành các thao tác nghiền nát, làm mềm, ướt thực phẩm để thức ăn dễ dàng đến các cơ quan tiêu hóa tiếp theo.
  • Cổ họng và thực quản: những đường ống vận chuyển thức ăn xuống khoang bụng.
  • Dạ dày: chứa các hoạt chất, acid, enzyme,… gây ra các phản ứng hóa học với thực phẩm để phân tách chất dinh dưỡng thành những dạng lỏng, bột, nhão, mềm nhất.
  • Ruột non: Nhận thức ăn đã được phân tách từ dạ dày và tiếp tục phân tách thức ăn kỹ càng nhờ các enzyme tiết ra từ tuyến tiêu hóa. Quá trình này diễn ra liên tục trong suốt chiều dài của ruột non ( khoảng 6m) rồi sau đó, dưỡng chất được di chuyển vào máu để nuôi các tế bào và các cơ quan khác trong cơ thể. 
  • Đại tràng: chuyển hóa các chất thừa để chuẩn bị thải ra ngoài. 
  • Trực tràng: nhận sản phẩm từ đại tràng đồng thời truyền tín hiệu cho não bộ để thải chất thừa ra ngoài.
  • Hậu môn: “cửa” thải các chất thừa ra ngoài môi trường.

Tuyến tiêu hóa gồm:

  • Tuyến nước bọt: chứa enzyme và chất lỏng để thực hiện quá trình tiêu hóa “thô sơ” nhất tại khoang miệng, giúp thức ăn dễ dàng phân tách tại những cơ quan tiêu hóa tiếp theo.
  • Tuyến tụy, gan, mật: tiết các chất hỗ trợ tiêu hóa tại ruột non, đặc biệt dịch từ túi mật rất quan trọng trong việc chuyển hóa và hấp thu chất béo hiệu quả.

Những thói quen giúp bảo vệ và nâng cao sức khỏe hệ tiêu hóa

Hệ tiêu hóa khỏe mạnh giúp quá trình trao đổi chất diễn ra tối ưu, những dưỡng chất được cơ thể hấp thu trọn vẹn nhất, đồng thời cơ thể được đào thải cặn bã và độc tố hiệu quả nhất, giúp xây dựng hệ miễn dịch khỏe mạnh và một thể lực dồi dào năng lượng. Những việc bạn cần lưu ý thực hiện để duy trì sức khỏe cho hệ tiêu hóa gồm:

Xây dựng chế độ ăn lành mạnh

Ăn đủ năng lượng theo nhu cầu của cơ thể, ăn đủ các nhóm chất: tinh bột, đạm, béo. Ngoài ra, cần tăng cường thêm vitamin, khoáng chất, nước, đặc biệt là chất xơ từ rau xanh và hoa quả để hỗ trợ quá trình tiêu hóa tối ưu. Nước và chất xơ cực kỳ quan trọng đối với quá trình tổng hợp chất thải và đào thải chất thải ra ngoài môi trường của đại tràng.

Chất xơ từ rau củ và trái cây rất tốt cho hệ tiêu hóa.

Chất xơ từ rau củ và trái cây rất tốt cho hệ tiêu hóa.

Để tốt cho dạ dày, nhất là đối với những người có hệ tiêu hóa kém, mới ốm dậy hoặc mắc các bệnh về dạ dày, bạn cần ưu tiên có món ăn ấm, nóng, dạng lỏng, kết cấu mềm, ít gia vị, chế biến lành mạnh ( hấp, luộc, nấu canh, nấu súp…). 

Ưu tiên các món ăn và các cách chế biến lành mạnh cho dạ dày.

Ưu tiên các món ăn và các cách chế biến lành mạnh cho dạ dày.

Ăn chậm, nhai kỹ

Nhai là giai đoạn đầu tiên, cơ bản của quá trình tiêu hóa. Tiêu hóa ở khoang bụng có hiệu quả hay không phụ thuộc rất nhiều vào giai đoạn đầu tiên này. Nhai giúp phân nhỏ thức ăn và làm mềm thực phẩm hoàn toàn, thực phẩm dễ dàng được vận chuyển và phân tách ở những cơ quan tiêu hóa sau. 

Ăn chậm, nhai kỹ mang lại nhiều lợi ích tiêu hóa.

Ăn chậm, nhai kỹ mang lại nhiều lợi ích tiêu hóa.

Việc ăn vội vàng, ăn gấp gáp, vừa ăn vừa làm việc, vừa ăn vừa di chuyển,… vì bận rộn, hạn chế thời gian,… là những thói quen cực kỳ có hại cho hệ tiêu hóa. Thức ăn không chỉ chưa được chia nhỏ và nhào trộn hoàn toàn tại khoang miệng mà còn khó được vận chuyển tại thực quản, dễ gây nghẹn, khó thở. Ngoài ra dạ dày cần hoạt động “cật lực” để phân tách những thực phẩm to, cứng, khô,…  vì chưa được tiêu hóa tốt tại khoang miệng, điều này rất dễ gây các bệnh về dạ dày như đau dạ dày,…

Bảo vệ dạ dày

Dạ dày là cơ quan chính yếu thực hiện những thao tác tiêu hóa quan trọng nhất, là cơ sở để sự hấp thu chất được thực hiện trọn vẹn. Vì thế, nó là cơ quan rất cần được bảo vệ bằng cách:

Bảo vệ dạ dày bằng những thói quen tốt trong sinh hoạt.

Bảo vệ dạ dày bằng những thói quen tốt trong sinh hoạt.

  • Ăn đúng giờ, đủ no, không để dạ dày rỗng: đói bụng quá lâu khiến acid và các enzyme trong dạ dày có thể tự phá hủy chính thành dạ dày, gây ra những hiện tượng đau bụng, đầy hơn, đau dạ dày, viêm loét dạ dày.
  • Không ăn các chất có vị kích thích niêm mạc dạ dày vào lúc đói: những món chua, cay hoặc các chất cồn, cafein rất dễ khiến dạ dày bị tổn thương nếu đang trong tình trạng rỗng, chưa được “lót dạ”.
  • Ăn chậm, nhai kỹ.
  • Không ăn quá nhiều vào buổi tối: buổi tối là thời gian cơ thể cần được nghỉ ngơi, dạ dày cũng vậy. Buộc dạ dày tiêu hóa quá nhiều thức ăn vào thời gian cần được nghỉ khiến cơ quan này bị “quá sức”, dễ sinh ra đau dạ dày, đầy hơi, ợ hơi, ợ nóng, khó ngủ vào ban đêm. 
  • Giữ tinh thần lành mạnh, tránh căng thẳng, mệt mỏi: stress thường xuyên khiến dịch vị dạ dày tăng tiết acid HCI, gây tổn thương niêm mạc dạ dày.
  • Không hút thuốc: Nicotin có trong thuốc lá sẽ làm hại niêm mạc dạ dày do kích thích co thắt mạch máu, làm giảm sự cung cấp máu cho niêm mạc dạ dày, ức chế sự tổng hợp prostaglandin có vai trò bảo vệ, phục hồi niêm mạc dạ dày, thúc đẩy sự bài tiết acid và pepsin trực tiếp ăn mòn niêm mạc dạ dày. Những người hút thuốc hoặc thường xuyên bị tiếp xúc với khói thuốc rất dễ mắc các bệnh dạ dày. 
  • Không lạm dụng thuốc: uống thuốc cần theo chỉ dẫn của bác sĩ. Rất nhiều loại thuốc có thể gây cho hại niêm mạc dạ dày như phenylbutazone, ibuprofen, indomethacin, aspirin đều tạo tác dụng giảm đau thông qua cơ chế ức chế tổng hợp prostaglandin có vai trò bảo vệ niêm mạc dạ dày. Ngoài ra, các loại thuốc nội tiết có chứa corticosteroid cũng thường gây viêm, loét hoặc thủng dạ dày. Vì thế, nếu uống không đúng cách rất dễ gây hại dạ dày. 

Bảo vệ sức khỏe hệ tiêu hóa cần nhiều lưu ý về dinh dưỡng. Tuy nhiên chúng không quá khó khăn để thực hiện. Chăm sóc cho hệ tiêu hóa cũng là một cách tối ưu cải thiện sức đề kháng, nâng cao hệ miễn dịch, duy trì sức khỏe tốt cho bản thân.

Leave A Comment