
“Cái răng, cái tóc là gốc con người”, không phải ngẫu nhiên mà câu thành ngữ từ xa xưa vẫn được lưu truyền lại cho đến ngày nay. Câu nói ấy không chỉ còn phổ biến bởi mang ý nghĩa hàm ẩn sâu xa mà còn được chứng minh bởi khoa học rằng sức khỏe răng miệng vô cùng quan trọng, liên quan mật thiết đến sức khỏe của trí não, tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa và cả sinh sản. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin thiết thực nhất về những tác hại nếu không chú trọng bảo vệ sức khỏe răng miệng, từ đó bạn sẽ cảm thấy được bảo vệ răng miệng quan trọng như thế nào.
Vai trò của răng miệng
Những cơ quan thuộc khoang miệng cũng như bất cứ bộ phận nào khác trên cơ thể, dù mang kích thước lớn, nhỏ khác nhau nhưng đều có những chức năng quan trọng nhất định đối với sức khỏe. Để có được những cách chăm sóc răng miệng khoa học cũng như chủ động dành sự quan tâm cho vùng cơ thể này, chúng ta cần biết được vai trò của chúng đối với sức khỏe:
- “Tuyến đầu” của ống tiêu hóa, đảm nhiệm vai trò nhận, nhào trộn, nghiền nhỏ thức ăn để thức ăn dễ dàng được chuyển hóa khi xuống dạ dày.
- Thẩm mỹ: mang đến nụ cười đẹp và hơi thở đầy tự tin.
- Răng miệng khỏe có ảnh hưởng rất nhiều đến việc phát âm chuẩn, rõ.
Ngoài ra, sức khỏe răng miệng còn liên quan đến rất nhiều các cơ quan và nhóm cơ quan khác trong cơ thể, ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe toàn diện.

Sức khỏe răng miệng có ảnh hưởng đến sức khỏe toàn diện của cơ thể.
Tác hại của việc không chú trọng chăm sóc sức khỏe răng miệng
Mắc các bệnh về răng miệng
Răng miệng là vùng tiếp xúc trực tiếp với thức ăn, nếu không được vệ sinh sạch sẽ sau khi “làm việc”, những mảnh vụn thức ăn còn bám trên răng kết hợp với các khuẩn trong nước bọt lâu dần sẽ hình thành tình trạng sâu răng, khiến răng bị tổn thương, yếu đi, răng vỡ hoặc rụng mất răng, gây đau nhức, mất thẩm mỹ, ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt hằng ngày.

Các bệnh về răng miệng ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt.
Ngoài tình trạng sâu răng, những mảng bám trên răng nếu không được vệ sinh sẽ hình thành cao răng, bám chắc vào chân răng, lâu dần sẽ khiến bạn mắc các bệnh nha chu – viêm nướu (chân răng sưng, đỏ, đau nhức, dễ chảy máu). Nếu những bệnh như sâu răng, viêm nướu,… không được chữa trị kịp thời sẽ trở nên nghiêm trọng hơn, có thể phá hủy mô nướu và xương hỗ trợ răng.
Hôi miệng
Đây là tình trạng rất phổ biến, dễ phát hiện, dễ nhận thấy nhanh chóng nhất sau một thời gian ngắn không chú trọng vệ sinh răng miệng. Các mảnh thức ăn khi bám vào răng dưới sự tác động của không khí, các khuẩn trong nước bọt, môi trường luôn ẩm ướt của khoang miệng sẽ dễ bị phân hủy thành nhiều chất, gây mùi, dẫn đến tình trạng hôi miệng. Tình trạng này thường khiến bạn mất tự tin, thoải mái trong giao tiếp hằng ngày.

Hôi miệng khiến bạn mất tự tin trong giao tiếp.
Ảnh hưởng đến sức khỏe của tim, gây ra các bệnh tim mạch
Không vệ sinh răng miệng tốt sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn hình thành trong khoang miệng gây ra các bệnh về nướu, xâm nhập vào các cơ quan khác trong cơ thể thông qua nước bọt và đường máu, trong đó, tim chịu trách nhiệm vận hành máu liên tục sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên.

Tim mạch dễ bị ảnh hưởng nếu răng miệng không khỏe.
Điều này dễ dẫn đến bệnh viêm màng tim (viêm nội tâm mạc), là tình trạng viêm lớp bên trong của tim. Nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời, viêm màng tim có thể dẫn đến tử vong.
Khi vi khuẩn phát triển và xâm nhập vào máu do viêm nha chu, không chỉ tim mà những cơ quan khác thuộc hệ tim mạch như động mạch cũng bị ảnh hưởng (bị các bệnh như tắc động mạch, đột quỵ,…).
Ảnh hưởng đến sức khỏe trí não
Suy giảm trí nhớ là một trong những tình trạng của hệ thần kinh rất dễ gặp phải nếu không vệ sinh răng miệng tốt. Khi răng miệng kém sạch sẽ, các động mạch não bị thu hẹp, khó khăn trong việc hoàn thành các chức năng của chúng. Động mạch não bị ảnh hưởng bởi vi khuẩn lâu ngày rất dễ dẫn đến suy giảm trí nhớ hoặc mất trí nhớ.

Các bệnh nha chu là một nguyên nhân gây giảm chức năng trí tuệ.
Ảnh hưởng đến đường huyết
Bệnh tiểu đường là căn bệnh rất dễ gặp phải không chỉ do ăn uống thiếu khoa học mà còn do vệ sinh răng miệng kém. Khi các kích thích trong khoang miệng gây suy yếu khả năng kiểm soát lượng đường trong máu của cơ thể, việc chuyển đổi đường thành năng lượng của trở nên khó khăn do thiếu insulin. Từ đó, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường ở những người không chú trọng vệ sinh răng miệng tăng cao.
Ảnh hưởng đến hệ hô hấp
Phổi là cơ quan quan trọng nhất thuộc hệ hô hấp và dễ bị mắc bệnh nhất nếu không vệ sinh răng miệng đúng cách. Những bệnh nha chu có thể khiến cho bệnh viêm phổi, tắc nghẽn phổi mãn tính trở nên nghiêm trọng hơn vì nó làm tăng lượng vi khuẩn trong phổi lên nhiều lần.
Ảnh hưởng đến sinh sản và thai kỳ
Theo những nghiên cứu từ Hiệp hội Phôi học và Sinh sản châu Âu, phụ nữ có thói quen ít chú trọng vệ sinh răng miệng hoặc mắc các bệnh về răng miệng sẽ phải mất thời gian dài hơn để mang thai. Không những thế, ở phụ nữ mang thai, họ dễ gặp những biến chứng như sinh con nhẹ cân, sinh non,… hơn những người có sức khỏe răng miệng tốt gấp 2 lần. Nguyên nhân là do những vi khuẩn từ khoang miệng tạo ra những hợp chất, hóa chất thấm vào máu, gây biến chứng thai kỳ.
Ảnh hưởng đến sức khỏe tiêu hóa
Những mảng bám ở chân răng, nướu có thể là môi trường sinh sản ra một loại khuẩn gây loét dạ dày có tên là Helicobacter pylori, thậm chí chúng sẽ là yếu tố gây ung thư dạ dày.

Hệ tiêu hóa dễ bị nhiễm khuẩn không được vệ sinh tốt.
Những căn bệnh mà cơ thể có thể mắc phải không hoàn toàn xuất phát từ sức khỏe răng miệng kém, chúng còn có nhiều nguyên nhân khác. Tuy nhiên, ít vệ sinh răng miệng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe toàn diện. Vì thế, hình thành và duy trì thói quen chăm sóc răng miệng khoa học, nhất là đối với trẻ em, để có một sức khỏe tốt nhất về lâu dài.