
Stress xảy ra khi chúng ta áp lực trong học tập, thi cử, công việc hay gặp một số vấn đề trong cuộc sống, tuy nhiên để hiểu rõ hơn về stress là gì, nguyên nhân dẫn đến stress cũng như cách điều trị như thế nào, hãy theo dõi bài viết dưới đây nhé. Nếu bạn đang rơi vào trạng thái stress, những thông tin dưới đây sẽ giúp bạn tìm cách giải quyết và tránh khỏi những suy nghĩ tiêu cực.
Stress là gì?
Stress, hay còn gọi là căng thẳng, là một trạng thái thần kinh ở người khi chúng ta cố gắng thích nghi hoặc đáp ứng hoặc giải quyết một vấn đề, một sự thay đổi hoặc một áp lực xảy ra ở bên ngoài cuộc sống hoặc bên trong cơ thể.
Khi cơ thể đối mặt với những tác nhân gây stress, cơ thể sẽ tiết hormone giúp cơ sản sinh năng lượng nhiều hơn bình thường, nhịp tim tăng cao. Vì thế, stress ở mức độ hợp lý có thể đem đến những hiệu quả tích cực cho chúng ta trong học tập, làm việc, tập luyện thể chất,…
Tuy nhiên, trong cuộc sống, con người chúng ta đôi khi không thể làm chủ được mọi thứ, chúng ta không thể kiểm soát, điều khiển những tác nhân gây stress, những tình huống khiến chúng ta phải đối mặt và phát sinh stress như ý muốn của mình theo hướng stress mang lại hiệu quả tích cực. Rất nhiều trường hợp stress ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe thể chất và tinh thần của con người.

Stress là trạng thái căng thẳng do áp lực công việc học tập.
Nguyên nhân gây stress là gì?
Nguyên nhân từ bên trong
Căng thẳng thần kinh rất thường xảy ra do những yếu tố sức khỏe như: cơ thể ốm đau, mệt mỏi, cơ thể bị ảnh hưởng bởi chất kích thích, mất ngủ, cơ thể bị thiếu dinh dưỡng hoặc do mắc bệnh nguy hiểm, bệnh hiểm nghèo. Ngoài ra, stress cũng có thể dễ xuất hiện đối với người có tính cách trầm lặng, ít nói, khép kín, thường suy nghĩ tiêu cực, hoặc những người tham vọng, cầu toàn, hiếu thắng…
Nguyên nhân từ bên ngoài
- Tính chất công việc: thường xuyên tính toán, kiểm kê, sáng tạo,… Nói chung là những công việc lao động trí óc thường xuyên.
- Học tập: áp lực từ thi đua, thành tích, điểm số,…
- Môi trường làm việc, học tập: môi trường luôn cạnh tranh về thành tích, cạnh tranh cấp bậc, hoặc bất hòa nội bộ,…
- Cuộc sống gia đình: gia đình bất hòa, hoặc xảy ra biến cố, gia đình khó khăn áp lực về kinh tế, bố mẹ đặt nhiều kỳ vọng hoặc thường xuyên ngăn cấm con cái làm theo ý mình,…
- Môi trường nhiều tiếng ồn, ô nhiễm, nhiều khói bụi, bệnh dịch, kẹt xe, nắng nóng hoặc thời tiết thay đổi liên tục.
Triệu chứng thường gặp của stress là gì?
Biểu hiện thể chất
Những biểu hiện tiêu cực về sức khỏe của người đang bị stress rất dễ nhận biết: mệt mỏi, ăn không ngon, đau đầu, mất ngủ, buồn nôn, rối loạn nhịp tim, khó thở, thở nhanh, tức ngực,…
Biểu hiện tinh thần
Stress nặng là một căn bệnh cực kỳ nguy hại, nó khiến sức khỏe tinh thần của người bệnh sa sút nghiêm trọng. Họ thường xuyên buồn bã, cau có, ít nói, muốn ở một mình, trí nhớ kém, tập trung kém, chất lượng học tập hoặc làm việc không tốt,…

Stress quá độ khiến bệnh nhân suy nghĩ tiêu cực.
Biểu hiện hành vi
Khi căng thẳng thần kinh lên mức độ nghiêm trọng sẽ không chỉ ảnh hưởng thể chất và tinh thần, mà căn bệnh này còn điều khiển cả hành vi người bệnh. Những người bị stress thường có xu hướng bi quan, dùng chất kích thích, hay khóc, kém ăn uống, thậm chí có suy nghĩ và hành vi tự làm hại bản thân hoặc người khác.
Biểu hiện cảm xúc
Cảm xúc của người bị stress vô cùng bất ổn và thường không có cảm xúc tích cực. Hầu hết người stress thường cau có, nóng tính, dễ tức giận dẫn đến hay quát mắng, la hét, chửi bới, hay lo lắng, bồn chồn, hấp tấp hoặc sợ hãi, thất vọng, buồn bã,…
Stress có thể gây nên những bệnh gì?
Bệnh về thể chất
Căng thẳng thần kinh kéo dài khiến quá trình chuyển hóa chất bên trong cơ thể trở nên bất ổn, nhất là sự chuyển hóa chất béo, làm tăng cholesterol trong máu. Ngoài ra, stress nhiều sẽ kích thích cơ thể tiết catecholamin mà chủ yếu là adrenalin, gây co mạch máu dẫn đến thiếu oxy ở tim và thành mạch, ảnh hưởng xấu đến sự hoạt động của các cơ quan. Chính việc làm tăng catecholamin sẽ dễ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là loạn dưỡng và hoại tử cơ tim, thành mạch.
Một số căn bệnh phổ biến do stress gây ra như:
- Bệnh tâm thần kinh: mất ngủ, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn phiền, cáu gắt, loạn trí nhớ, trầm cảm
- Bệnh tim mạch: tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, loạn nhịp tim, tim đập nhanh và mạnh,…
- Bệnh tiêu hóa: viêm loét dạ dày – tá tràng, chảy máu tiêu hóa, thủng dạ dày, tiêu chảy, khô miệng, chán ăn, ăn không tiêu, hơi thở hôi, rối loạn chức năng đại tràng…
- Bệnh sinh lý: giảm chức năng sinh lý, giảm ham muốn, đau khi quan hệ,…
- Bệnh phụ khoa: rối loạn kinh nguyệt, rối loạn nội tiết…
- Bệnh cơ khớp: co cứng cơ, đau lưng, đau khớp, cảm giác kiến bò ở ngón tay, máy mắt, chuột rút, run rẩy…
- Toàn thân: hệ miễn dịch suy yếu, cơ thể thiếu sức sống, mệt mỏi, dễ mắc các bệnh dị ứng hay bệnh truyền nhiễm.
Bệnh tâm lý
Những triệu chứng stress xảy ra thường xuyên trong thời gian dài sẽ hình thành bệnh về thần kinh. Những bệnh thường gặp đó là: Mất ngủ, hay quên, mất trí nhớ, rối loạn lo âu, rối loạn hành vi,…

Stress thời gian dài có thể gây ra bệnh thần kinh.
Cách điều trị stress là gì?
Căng thẳng thần kinh là căn bệnh thuộc về tâm lý nhưng cần điều trị bằng phương pháp tác động đồng thời cả hai mảng đời sống thể chất và tinh thần để người bệnh nhanh chóng cải thiện. Khi liệt kê những cách điều trị stress, chúng ta thường nghĩ rất đơn giản vì toàn là những phương pháp thực tế và gần gũi trong cuộc sống hằng ngày. Nhưng khi đối mặt với bệnh stress hoặc người bị stress, những cách điều trị này cần nhiều vô cùng sự kiên nhẫn, cố gắng và ý chí:
- Cải thiện đời sống vật chất: thay đổi môi trường sống trong lành và yên bình hơn, xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt và luyện tập khoa học, tập thiền, yoga, có thể kết hợp với châm cứu, massage, xông hơi,…
- Cải thiện đời sống tinh thần: giải trí lành mạnh như đọc sách, nghe nhạc, khiêu vũ, đi dạo ngắm cảnh, du lịch, trồng cây, xây dựng những mối quan hệ tình cảm tích cực,…
Stress đôi khi là cần có để hình thành cho con người động lực và sức mạnh để phát triển bản thân. Tuy nhiên, stress quá nhiều và quá mức chịu đựng sẽ gây hại mọi mặt cho con người. Để kiểm soát cảm xúc và suy nghĩ tốt, chúng ta cần xây dựng những thói quen sống lành mạnh, tích cực để stress trở thành “chìa khóa thành công” thay vì một căn bệnh tâm lý nguy hiểm.