
Khuyên tai là một trong những loại trang sức quen thuộc và phổ biến đối với cả nam và nữ trong cuộc sống hiện đại. Vốn có từ xa xưa và mang nhiều ý nghĩa tâm linh, ngày nay khuyên tai trở thành một phụ kiện làm nổi bật diện mạo và cá tính của mỗi người. Bài viết này sẽ chia sẻ những lưu ý cho bạn để xỏ khuyên tai vừa an toàn cho sức khỏe, vừa sành điệu như mong muốn của mình.

Khuyên tai là trang sức đẹp và quen thuộc
Nguồn gốc của khuyên tai
Có rất nhiều em bé từ khi mới chỉ vài tháng tuổi đã được bố mẹ cho xỏ khuyên và đeo khuyên tai. Người trưởng thành, nhất là chị em phụ nữ đều coi khuyên tai như một trang sức không thể thiếu. Tuy nhiên, bạn đã thực sự hiểu nhiều về loại trang sức thú vị này chưa?

Khuyên tai cổ
Theo nghiên cứu, khuyên tai đã xuất hiện trong cuộc sống loài người từ những năm 3000 TCN. Ở mỗi quốc gia như Ấn Độ, Ai Cập, chiếc khuyên tai chứa đựng nhiều ý nghĩa tâm linh như xua đuổi ma quỷ, mang lại nhiều điều may mắn,… Theo thời gian, khuyên tai hiện đại ngày nay là đại diện quan trong cho giá trị thẩm mỹ về ngoại hình của người đeo.
Khuyên tai hiện nay được thiết kế với nhiều kiểu dáng “độc”, lạ bởi nhiều loại chất liệu khác nhau như vàng, bạc, đá quý, kim cương,… Mỗi loại khuyên tai, kiểu khuyên tai thể hiện được phong cách, cá tính và cả một phần đời sống của người đeo.
Có nên xỏ khuyên tai không?
Với nhiều giá trị thú vị, đặc biệt là mang lại cho bạn ngoại hình hoàn mỹ, ấn tượng hơn trong mắt những người xung quanh, trong không gian của những sự kiện lớn nhỏ khác nhau, chẳng có lý do gì mà chúng ta từ chối xỏ khuyên tai cả.

Xỏ khuyên bằng súng chuyên dụng
Xỏ khuyên bằng kim truyền thống hoặc xỏ bằng súng bắn tiện lợi đều có gây cảm giác đau, buốt ít hoặc nhiều, tùy vào cảm nhận của mỗi người. Đó là nguyên nhân khiến nhiều người ngại xỏ khuyên. Tuy nhiên, cảm giác đó rất nhanh sẽ trôi qua, và việc bạn chăm sóc đôi tai mới xỏ khuyên của mình là điều quan trọng nhất, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và thời gian hồi phục của tai.
Những vị trí ở tai bạn có thể xỏ khuyên
- Dái tai: xỏ lỗ đơn, lỗ đúp, lỗ ba, lỗ đúp ngược.
- Vành tai: vành tai trước, phía trong vành tai, lỗ Helix
- Xỏ lỗ dây chuyền (4 lỗ): từ dái tai đến sụn tai.
- Sụn tai: Lỗ Daith (sụn bên trong tai), xỏ ngang, Helix, Rook, Tragus, Anti-Tragus, Conch, Flat, Snug,

Những vị trí có thể xỏ khuyên tai
Chăm sóc tai sau khi xỏ khuyên

Chăm sóc lỗ xỏ khuyên thường xuyên
Tùy vị trí lỗ được bấm trên tai, cách chăm sóc tai sau khi bấm cũng như cơ địa của bạn, các lỗ xỏ sẽ có thời gian hồi phục khác nhau:
- Dái tai: 4-6 tuần.
- Sụn xung quanh vành tai: 6 tháng-1 năm.
Lỗ xỏ hồi phục là khi bạn dễ dàng tháo, thay khuyên mà không có cảm giác đau, rát, ngứa, hoặc sưng tấy, chảy nước, chảy máu,…
Để lỗ xỏ hồi phục nhanh và an toàn, bạn nên lưu ý những điều sau đây:
- Không chạm tay vào lỗ xỏ.
- Cẩn thận khi ngủ, tránh để lỗ xỏ bị xê dịch, va chạm, chà xát.
- Buộc tóc gọn gàng, không để tóc tiếp xúc với lỗ xỏ.
- Thường xuyên dùng bông thấm nước muối sinh lí để vệ sinh lỗ xỏ (khoảng 2-3 lần/ ngày).
- Không tháo, thay khuyên khi lỗ xỏ chưa hồi phục. Việc đeo – tháo khuyên liên tục dễ khiến da bị tổn thương, đau, chảy máu, dễ nhiễm trùng. Tháo khuyên và không đeo lại khiến lỗ xỏ nhanh chóng hồi phục, liền lại, bạn phải xỏ lại một lần nữa nếu muốn đeo khuyên ở lỗ tai đó.
- Không dùng thuốc mỡ bôi lên lỗ xỏ, không dùng cồn sát trùng để bôi lỗ xỏ thường xuyên (tránh gây khô da, mỏng da, nhất là da đang trong quá trình hồi phục).
- Kiêng, hạn chế ăn thực phẩm chứa nếp, hải sản, thịt bò, thịt gà, rau muống để lỗ xỏ không bị chảy mủ, bị thâm, bị sưng,
- Nếu vết xỏ bị sưng tấy, đau nhức, có dấu hiệu nhiễm trùng, bạn cần đến sự can thiệp của bác sĩ, có thể được uống kháng sinh nếu cần thiết.
- Sau khi hồi phục, bạn có thể đeo khuyên có kích cỡ và trọng lượng nhỏ để tránh gây nặng tai, cảm giác đau nhức dễ trở lại.
- Vệ sinh tay sạch trước khi thực hiện rửa, vệ sinh lỗ xỏ.
- Cẩn thận với những trang phục dễ gây mắc vào khuyên tai trong quá trình tai hồi phục.
- Tránh cho lỗ xỏ tiếp xúc với nước (hồ bơi, nước biển, sông,…) để tránh cho tai bị nhiễm trùng.
- Làm ẩm lỗ xỏ bằng nước muối, nước tinh khiết trước khi xê dịch khuyên tai.
Khi mô ngừng đau, sưng và tiết dịch, đồng thời các vết đỏ biến mất thì chính là lúc lỗ xỏ của bạn đã lành.
Nếu quyết định xỏ khuyên, hãy lựa chọn nơi xỏ uy tín, an toàn, tuân thủ những lưu ý chăm sóc cho lỗ xỏ để tránh bị nhiễm trùng, bớt cảm giác đau, rát, ngứa khó chịu, để bạn cảm thấy rằng xỏ khuyên không phải là “không đau” nhưng cũng không làm bạn thấy phiền toái, khó chịu trong cuộc sống thường ngày.