
Tập luyện bất cứ bộ môn thể thao nào là hình thức tăng cường vận động cho cơ thể cực kỳ có ích cho sức khỏe. Hiệu quả của việc luyện tập đối với sức khỏe không chỉ được tổng hợp bởi các yếu tố: bộ môn, cường độ, thời gian tập, lịch tập,… mà còn ảnh hưởng nhiều bởi những việc bạn làm ngay sau khi tập luyện, buổi tập kết thúc. Bài viết này sẽ liệt kê những việc bạn không nên làm sau khi luyện tập để có được buổi tập đạt chất lượng nhất.
Những lưu ý không nên làm sau khi tập luyện
Bỏ qua việc giãn cơ sau khi tập luyện
Bước giãn cơ cuối mỗi buổi tập không chiếm quá nhiều thời gian của bạn: chỉ từ 5 – 10 phút, nhiều hơn thì 15 phút. Tuy nhiên, nhiều người thường bỏ qua bước này vì nhiều lý do. Đây là việc vô cùng bất lợi với cơ thể, đồng thời không mang lại hiệu quả tốt nhất cho sức khỏe từ việc tập luyện.
Tập luyện khiến chúng ta sử dụng xương, khớp, dây chằng liên tục. Việc giãn cơ giúp các khớp nhanh chóng phục hồi, trở nên linh động, cải thiện phạm vi di chuyển. Ngoài ra, các bó cơ được giãn, oxy nhanh chóng được vận chuyển đến mọi nhóm cơ trên cơ thể, giúp cơ bắp được tái tạo, tránh chấn thương hoặc cơ bị kiệt sức trong những vận động sau buổi tập.

Bạn rất dễ bị chấn thương nếu không giãn cơ sau khi tập luyện.
Bỏ qua việc giãn cơ khiến cho việc tập luyện vô tình để lại nhiều tác động xấu cho cơ thể. Vì thế, bạn hãy đảm bảo rằng giãn cơ thật kỹ trước khi bước ra khỏi phòng tập nhé.
Không thay quần áo tập
Tập luyện khiến cơ thể toát rất nhiều mồ hôi, quần áo ướt đẫm, chưa kể bụi bẩn, vi khuẩn ở khu vực bạn tập bám dính vào áo quần. Sau buổi tập, nếu bạn chỉ quan tâm đến việc lướt điện thoại, trò chuyện hoặc ăn uống,… mà vẫn mặc quần áo tập, cơ thể rất dễ bị thấm mồ hôi, nhiễm lạnh, dẫn đến cảm cúm. Ngoài ra, bụi bẩn hoặc vi khuẩn bám vào da với các lỗ chân lông đang giãn nở sau khi tập sẽ dễ gây ra tình trạng dị ứng, mẩn ngứa, nấm da, viêm da,…
Ăn uống không đúng cách sau khi tập luyện
Việc bổ sung năng lượng sau buổi tập là vô cùng quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, ăn uống không đúng cách sẽ gây ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa cũng như cân nặng của bạn. Ăn uống không đúng cách thường là: bạn ăn quá nhiều hoặc quá ít, ăn uống những món ăn không “healthy”,…

Tránh ăn thực phẩm không tốt cho sức khỏe sau khi tập luyện.
Thời điểm tốt nhất để bổ sung năng lượng sau khi tập là 30 phút sau khi buổi tập kết thúc. Nguyên nhân là hệ tiêu hóa cần thời gian để trở lại nhịp độ vận hành bình thường như khi bạn không vận động mạnh. Ăn ngay sau khi tập sẽ dễ bị đầy hơi, khó tiêu,… không tốt cho tiêu hóa.
Ngoài ra, cần hạn chế những loại thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ, nhiều đường, nước uống ngọt, có gas,… để đảm bảo sức khỏe và dinh dưỡng cho cơ thể.
Tắm ngay sau khi tập luyện
Tắm không chỉ giúp cơ thể loại bỏ mồ hôi, bụi bẩn, vi khuẩn mà còn là phương pháp thư giãn tinh thần tuyệt vời. Tuy nhiên, cần tắm đúng cách để đảm bảo sức khỏe và sự an toàn cho cơ thể.
Thời điểm tốt nhất để tắm là sau buổi tập khoảng 15-20 phút, khi cơ thể đã khô ráo mồ hôi hoàn toàn, nhiệt độ cơ thể dần ổn định, nhịp tim không còn đập nhanh,… Sau khi tập, bạn nên hít thở sâu để điều hòa nhịp thở, đồng thời dùng khăn thấm mồ hôi liên tục để cơ thể nhanh chóng khôi phục trạng thái ổn định.
Tắm nước ấm sẽ tốt nhất cho cơ thể, giúp chúng ta tránh được tình trạng sốc nhiệt, co cơ, co mạch máu đột ngột,… nếu tiếp xúc với nước quá lạnh so với nhiệt độ cơ thể.

Tắm nước ấm giúp cơ thể thư giãn hơn.
Ngồi, nằm ngay lập tức sau khi vừa tập xong
Tập luyện chắc hẳn khiến cơ thể bạn rất mệt để đáp ứng cường độ bài tập, do đó xu hướng muốn ngồi ngay lập tức vì mỏi cơ hoặc muốn nằm để nghỉ ngơi là chuyện bình thường. Tuy nhiên, chúng ta cần chủ động ý thức điều khiển cơ thể không thực hiện các động tác đó.
Nằm hoặc ngồi sau khi tập khiến nhịp tim bị chậm lại đột ngột, từ đó kéo theo tốc độ tuần hoàn máu, co bóp của tim,… bị thay đổi bất ngờ, vô cùng nguy hiểm cho cơ thể. Điều này dễ dẫn đến tình trạng nhồi máu cơ tim, thậm chí là đột quỵ.
Sau khi tập cường độ cao, bạn nên vận động chậm dần, cường độ nhẹ dần như chạy bước nhỏ, rồi sau đó đi bộ, giãn cơ,… kết hợp hít thở đều sẽ là cách điều hòa nhịp tim an toàn nhất.
Dùng chất kích thích, đặc biệt là rượu
Chất kích thích chứa cồn như rượu hoặc caffeine như cà phê, trà, ca cao,… dễ khiến nhịp tim, huyết áp của bạn tăng cao do cơ chế kích thích hệ thần kinh của chúng. Vì thế, sau khi tập luyện, những chất kích thích này chỉ có hại cho tim mạch hơn mà thôi.

Rượu không tốt cho sự phục hồi cơ bắp sau khi tập.
Ngoài ra, rượu còn có thể gây giảm hấp thu và tổng hợp protein cho cơ thể, điều này không tốt cho cơ bắp cũng như dễ gây thiếu hụt dinh dưỡng cho cơ thể. Rượu sẽ làm chậm quá trình phục hồi cơ bắp, khiến cơ thể mệt mỏi,… nếu sử dụng ngay sau khi tập.
Để cơ thể thiếu nước
Thiếu nước khiến sự vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng đến các tế bào và cơ bắp bị hạn chế, ngoài ra xương, khớp, sụn thiếu chất bôi trơn khiến vận động khó khăn, dễ gây đau khớp, chấn thương.
Uống nước cần đủ lượng và uống đều đặn trong mọi thời điểm trong ngày, uống trước, trong và sau khi tập để tránh tình trạng thiếu nước cho cơ thể. Lượng nước trung bình cần cho cơ thể mỗi ngày là 1,5 – 2 lít.
Làm việc ngay sau khi tập luyện
Tập luyện giúp não bộ được kích thích sản sinh hormone “hạnh phúc” endorphin, giúp chúng ta vui vẻ, sảng khoái, tỉnh táo và tràn đầy năng lượng. Sau buổi tập, bạn nên dành đủ thời gian để giãn cơ, tắm gội, ăn uống, nghỉ ngơi rồi sau đó làm việc sẽ đạt hiệu suất cao hơn.
Bài viết đã chia sẻ những việc bạn cần hạn chế hoặc tránh làm sau khi tập để quá trình tập luyện đem lại hiệu quả tối ưu cho sức khỏe của bạn. Tập luyện tốt không chỉ phụ thuộc vào thời gian tập, lịch tập, chế độ ăn, bộ môn,… mà còn ảnh hưởng rất nhiều bởi những nguyên tắc làm việc, sinh hoạt sau khi tập luyện nữa.