
Vị chua là một trong những gia vị cơ bản của các món ăn hằng ngày. Vị chua đem lại cảm giác kích thích “cực mạnh” cho vị giác, đồng thời mang đến ấn tượng đặc biệt, độc đáo cho các món ăn. Vị chua có nhiều trong các thực phẩm thiên nhiên, nguồn gốc an toàn, lành tính cho cơ thể. Tuy nhiên, sở thích ăn chua vẫn có thể gây ra những tác hại không tốt đến sức khỏe của bạn.
Vị chua có từ đâu?
Đa số các thực phẩm, nguyên liệu có vị chua thường có nguồn gốc từ thực vật, các loại quả như: chanh, quất, bưởi, cam, quýt, xoài non, cà chua, me, cốc, dứa, khế, ô mai, lá giang,… Ngoài ra, vị chua còn được hình thành khi thực phẩm được chế biến dưới hình thức lên men như: phô mai chua, sữa chua, cà muối chua, dưa cải muối chua,…

Vị chua của thực phẩm có được nhờ quá trình chế biến bằng hình thức lên men.
Vị chua “cực mạnh” từ các loại chanh, xoài non, cốc non, me xanh,… gây kích thích tuyến nước bọt ngay lập tức khi món ăn tiếp xúc với đầu lưỡi, thậm chí chỉ cần nhìn thôi vẫn có thể gây tiết nước bọt liên tục. Trải nghiệm “có 1 không 2” mà các món ăn chua mang lại có thể gây “nghiện”, đặc biệt là đối với các bạn trẻ.

Vị chua tự nhiên có rất nhiều trong các loại quả.
Những nguyên liệu “siêu” chua thường được kết hợp với các loại gia vị cay, mặn, ngọt hài hòa như các loại muối ớt, mắm ruốc, nước sốt ngọt,… cùng các loại nguyên liệu dậy mùi thơm như sả, hành, tỏi, lá chanh,… làm nên những món ăn vặt “thần thánh” làm giới trẻ mê mẩn. Một số món ăn có thể kể đến như: gỏi xoài non, xoài non mắm ruốc, cốc lắc chua ngọt, chân gà sả tắc,… Không những thế, sự kết hợp hoàn hảo giữa hai vị chua cay còn làm nên đặc trưng ẩm thực của một số quốc gia như: kim chi Hàn Quốc, lẩu Thái chua cay, canh chua hải sản và gà nấu lá giang ở Việt Nam,…
Ảnh hưởng từ việc ăn chua đến sức khỏe
Các món ăn có vị chua sau khi tiếp xúc với vị giác của khoang miệng sẽ gây ra các phản ứng ngay lập tức của cơ thể gồm: ngứa và ê răng, tiết nước bọt nhiều, toát mồ hôi,…
Lợi ích
- Làm sạch răng miệng.
Lợi ích đầu tiên là sự vệ sinh, làm sạch triệt để khoang miệng, giúp sạch men răng, vi khuẩn, sạch các thức ăn có tính nhớt bám trên lưỡi hoặc dưới lưỡi, trong các kẽ răng, khử mùi thực phẩm còn lưu lại trong khoang miệng sau khi ăn,… ngay lập tức.
- Tốt cho tiêu hóa và đường ruột.
Ngoài ra, ăn các món vị chua mạnh có khả năng kích thích bài tiết vô cùng hiệu quả. Quá trình này hỗ trợ “đắc lực” cho sự tiêu hóa và nhu động ruột, giúp ruột hoạt động trơn tru. Đồng thời, cơ chế tiết nước bọt mạnh giúp kích thích sự thèm ăn với các enzyme đặc biệt có trong nước bọt.
Lợi ích tiếp theo mà món ăn vị chua mang lại là hỗ trợ quá trình hấp thu dưỡng chất cực tốt cho cơ thể. Các acid hữu cơ có trong các loại thực phẩm này đều có khả năng tăng cường khả năng hấp thu các dưỡng chất khác có trong chính các loại thực phẩm này hoặc trong các loại thực phẩm khác. Ví dụ acid ascorbic có trong các loại quả họ cam quýt kích thích khả năng hấp thu sắt cho cơ thể,
Sữa chua là một trong những món ăn có được vị chua do quá trình lên men đặc biệt nhờ vi khuẩn có lợi. Sữa chua cung cấp một lượng lớn acid lactic giúp cơ thể hấp thu canxi hiệu quả, đồng thời chứa rất nhiều khuẩn tốt cho đường ruột, hỗ trợ tiêu hóa ổn định, chữa lành các tổn thương đường ruột do viêm hoặc rối loạn tiêu hóa.
Ăn chua tốt cho tiêu hóa và hỗ trợ giảm cân.
Các loại thực phẩm lên men chua như cà muối chua, cải muối chua,… có chứa các hợp chất sinh học hỗ trợ đào thải độc tố, giải độc gan cực tốt. Bên cạnh đó, vị chua từ thực phẩm lên men kích thích hoạt động của các enzyme tiêu hóa và dịch mật, hỗ trợ tiêu hóa chất béo hiệu quả, ngừa gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ, hỗ trợ giảm mỡ thừa.
- Chống viêm, chống oxy hóa.
Các thực phẩm nhiều vị chua thường chứa rất nhiều vitamin, khoáng chất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là vitamin C. Loại vitamin này hoạt động như một chất chống oxy hóa lành mạnh, ức chế các thành tố gây lão hóa, gây ung thư trong cơ thể.
Đồng thời, các loại quả vị chua còn chứa các chất chống oxy hóa khác như phenol và flavonoid giúp giảm tỉ lệ viêm, nhiễm khuẩn trong cơ thể, ngăn ngừa các bệnh như viêm khớp, tăng huyết áp, đột quỵ,…
Ăn không đúng cách gây nhiều tác hại cho sức khỏe
- Hư hại men răng
Ăn chua liên tục hoặc ăn chua vào buổi sáng khiến acid trong đồ chua liên tục tiếp xúc với răng, làm mòn lớp bảo vệ răng tự nhiên, gây tình trạng răng ố vàng, răng yếu, dễ đau chân răng, ê răng, mòn men răng, sâu răng…

Gây đau răng và hư răng.
- Tăng nguy cơ ung thư khi ăn thực phẩm muối chua không đúng cách.
Ăn dưa cải chua khi muối “chưa chín”, cải còn xanh, còn mùi hăng, dưa muối trong thời gian ngắn là nguyên nhân dễ gây ung thư. Vì trong thời gian ngắn (2-3 ngày), hàm lượng Nitrit tăng lên do quá trình vi sinh khử Nitrat. Lượng Nitrit này khi đi vào cơ thể, kết hợp với các acid amin trong cơ thể sẽ sinh ra nitrosamine tăng nguy cơ ung thư. Tuy nhiên, hàm lượng Nitrit giảm dần và mất hẳn khi dưa chua đã vàng.
Những loại cà, cốc, me,… ngâm lâu ngày bị lên men mốc, thâm, mềm,… chứa nhiều độc tố aflatoxin cũng là tác nhân gây ung thư ở người.
- Không tốt cho dạ dày và tiêu hóa khi ăn chua nhiều hoặc ăn lúc đói.
Sữa chua, các loại trái cây ngâm chua ngọt,… khi ăn lúc bụng đói sẽ tăng acid dạ dày, kích thích niêm mạc dạ dày, dễ gây trào ngược dạ dày, “xót” bụng, đau bụng, ợ chua, đầy hơi,… Lâu dần, tình trạng này sẽ nghiêm trọng dẫn đến đau do viêm, loét dạ dày.
- Hàm lượng acid tăng gây suy yếu hệ miễn dịch.
Mất cân bằng acid hoặc kiềm đều gây ra ảnh hưởng xấu đến hệ miễn dịch, khiến cơ thể không sản xuất đủ và đều các kháng thể chống viêm, nhiễm trùng. Ăn quá nhiều thức ăn chua làm tăng nồng độ acid trong cơ thể, dẫn đến nguy cơ cao mắc các bệnh cảm lạnh, cảm cúm, viêm màng não, viêm da, viêm dạ dày,…

Gây suy yếu hệ miễn dịch.
Hệ miễn dịch suy yếu do nồng độ acid cao làm tăng khả năng mắc nhiều loại bệnh khác cho cơ thể như loãng xương, tiểu đường, suy thận, sỏi thận, ung thư,…
- Lạm dụng đồ chua để giảm cân gây thiếu máu.
Chỉ ản nhiều món chua, hoặc thường xuyên ăn món ăn chua gây mất cân bằng dưỡng chất, đồng thời khiến cơ thể không đủ nguyên liệu sản sinh hồng cầu, bạch cầu, huyết cầu, gây thiếu máu trầm trọng nếu để tình trạng kéo dài.
Cách ăn các món chua an toàn cho sức khỏe
- Không ăn đồ chua lúc đói bụng.
- Kết hợp ăn nhiều thực phẩm đa dạng và đủ dinh dưỡng, nên sử dụng các món ăn chua như một món tráng miệng.
- Người bị đau dạ dày, sỏi thận, quai bị,…, các bệnh về tuyến nước bọt hoặc tiêu hóa không nên ăn chua, hoặc hỏi ý kiến bác sĩ nếu cần.
- Sữa chua nên ăn 1-2 hũ mỗi ngày, sau bữa ăn để hỗ trợ tốt cho tiêu hóa.
- Ăn dưa muối, cà muối, cải muối, cốc ngâm đúng thời hạn, không ăn quá sớm hoặc ăn đồ đã để quá lâu.
Những món ăn chua độc đáo và ngon miệng vẫn có thể đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của bạn nếu được ăn vừa phải và hợp lý. Ăn quá nhiều đồ chua do “nghiện”, không khoa học, sẽ dễ gây nên những ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ thể của bạn.