
Những món ăn với hương vị cay nồng không chỉ mang lại sự thơm ngon ấn tượng mà còn lại đặc trưng ẩm thực của nhiều quốc gia trên thế giới. Không chỉ kích thích vị giác và tăng cảm giác ngon miệng, vị cay trong món ăn còn đem đến nhiều lợi ích cho sức khỏe nếu được sử dụng một cách hợp lý, thông minh. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn đọc những điều cần biết để có thể thoải mái thưởng thức các món cay nồng một cách ngon miệng và an toàn nhất.
Vị cay có thể làm nên tinh hoa ẩm thực
Vị cay của các món ăn xuất phát từ nhiều loại gia vị khác nhau: ớt, tiêu, mù tạt, bạc hà, gừng, bột cà ri,… Mỗi vị cay của một loại gia vị, nguyên liệu có đặc trưng khác nhau, khiến cho tính chất “cay” trở nên vô cùng phong phú: ớt cay nóng, rát đầu lưỡi ngay khi ăn vào; tiêu cay nồng nàn, cảm giác như cơ thể ấm lên ngay lập tức; mù tạt cay “cực mạnh” xộc nhanh lên mũi, có thể khiến ta chảy nước mắt; vị cay của bạc hà thì the mát dài lâu,…
Mỗi nguyên liệu đem lại vị cay cho món ăn làm nên đặc trưng ẩm thực của nhiều quốc gia: các nước Đông Nam Á như Thái Lan cực kỳ chuộng ớt khiến các món ăn đỏ rực, mù tạt thịnh hành ở Nhật Bản, Hàn Quốc vì thường được ăn kèm với hải sản sống, còn bột cà ri là “biểu tượng” cho ẩm thực Ấn Độ với các món canh cà ri, súp cà ri cay nổi tiếng,.. Vị cay đã trở thành truyền thống trong các mâm cơm của nhiều gia đình, nhiều quốc gia.

Món ăn cay là đặc trưng ẩm thực của nhiều quốc gia trên thế giới.
Chính vì đặc trưng này mà vị cay trở thành yếu tố không thể thiếu trong các món ăn. Những người con của quê hương lớn lên trong vị cay nồng trong mâm cơm, dù khiến họ có thể toát mồ hôi, chảy nước mắt trong lúc ăn nhưng vẫn không thể không ăn loại gia vị “gây nghiện” này.
Lợi ích của việc ăn cay
Không chỉ đem lại hương vị thơm ngon đặc trưng cho các món ăn, vị cay còn mang đến rất nhiều lợi ích cho sức khỏe khác:
Giúp làm ấm cơ thể
Các món ăn cay đem lại cảm giác ấm nóng ngay lập tức, đặc biệt là các món lẩu, cháo, súp, canh cay và nóng hổi. Những món ăn này dễ dàng đánh bay cái giá rét mùa đông, đồng thời giúp làm nóng cơ thể, giãn nở mạch máu, giúp máu lưu thông tốt và đem lại cảm giác thư giãn, nhanh chóng phục hồi năng lượng cho bạn.

Ăn cay giúp làm ấm cơ thể khi trời lạnh.
Tăng sức đề kháng, kháng viêm, ngừa khuẩn
Những nguyên liệu có vị cay như ớt, gừng, tiêu, bạc hà,… thường chứa rất nhiều các vitamin A, C, giúp bạn cải thiện hệ miễn dịch hiệu quả, ngăn ngừa virus, vi khuẩn gây hại cho cơ thể, hạn chế tốt các bệnh do virus như cảm lạnh, cảm cúm, đau đầu, cảm nắng,… hay các bệnh hôi miệng, hơi thở có mùi do vi khuẩn hoặc do bệnh dạ dày.
Vị cay từ tiêu, gừng còn hoạt động như một chất khử trùng, khử mùi hiệu quả, rất được ưu tiên sử dụng trong việc khử các mùi tanh từ thực phẩm sống, dùng làm gia vị tẩm ướp cực kỳ tốt.
Capsaicin là “thần dược” có nhiều trong ớt
Bên cạnh chứa nhiều vitamin A, C, ớt đỏ còn chứa nhiều chất capsaicin với các công dụng đặc biệt:
- Kích thích hệ tim mạch hoạt động, tăng cường trao đổi chất bằng cách tăng thân nhiệt, tăng toát mồ hôi. Đó là một trong những yếu tố hỗ trợ đốt calories cực kỳ hiệu quả, giúp bạn hạn chế dư thừa calories gây tích tụ mỡ, làm tăng cân, béo phì.
Cơ thể trao đổi chất tốt nhờ ăn cay là một trong những nguyên nhân giúp tăng cảm giác ngon miệng khi ăn, thúc đẩy quá trình tiêu hóa và hấp thu dưỡng chất hiệu quả cho cơ thể.
- Capsaicin hoạt động như một chất tăng cường miễn dịch tương tự vitamin C, hỗ trợ kháng viêm, chống các cơn đau do viêm và ngăn ngừa hình thành các tế bào gây ung thư.
- Capsaicin còn là một chất có khả năng chống oxy hóa hiệu quả cho hệ tiêu hóa, đặc biệt là dạ dày. Một lượng capsaicin hợp lý trong ớt đỏ có thể chữa lành dạ dày, giảm khí đường ruột, chữa tiêu chảy và hoạt động như một phương thuốc tự nhiên cho chứng chuột rút. Nhờ đó, hệ tiêu hóa sẽ tăng tiết dịch vị giúp tiêu hóa tốt hơn, tránh bị đầy hơi.
- Capsaicin kích thích não bộ sản sinh endorphin. Đây là hormone ức chế mệt mỏi, hỗ trợ giảm cảm giác đau. Vì thế, khi ăn ớt cay, bạn có cảm giác tỉnh táo, không còn căng thẳng, stress nữa. Đặc biệt, khả năng giảm đau này cực kỳ hữu ích cho những người bị đau khớp, đau đầu, đau do viêm hoặc ung thư.

Capsaicin trong ớt đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Ngăn ngừa các bệnh về tim mạch
Ớt đỏ có khả năng giảm cholesterol huyết thanh, giảm lipid dư thừa trong máu, giảm quá trình đông máu quá mức khiến máu khó lưu thông, giãn nở mạch máu giúp máu dễ dàng lưu thông và vận chuyển chất tốt cho các tế bào. Nhờ đó, ớt có thể hỗ trợ sức khỏe hệ tuần hoàn và hạn chế tốt các bệnh về tim mạch.
Dùng ớt dưới dạng rượu hay dầu nóng cũng là một phương pháp làm giãn tĩnh mạch, tan máu bầm, giảm đau và trị hiệu quả các vết bầm tím do chấn thương hoặc va đập.
Ăn cay vẫn có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe
Tùy vào vùng miền, thói quen ăn uống, tình trạng sức khỏe,… mà khả năng ăn cay ở mỗi người là khác nhau. Vì thế, mỗi chúng ta cần lắng nghe và tôn trọng bản thân mình, ví dụ, bạn không nên “thử sức” với các món “siêu cay” quá nhiều nếu bản thân không phải là người có thói quen ăn cay.
Ăn cay quá nhiều, quá thường xuyên, vượt giới hạn của bản thân rất dễ gây ra những ảnh hưởng xấu như:
- Không tốt cho tiêu hóa: tính nóng của các gia vị cay tác động mạnh và trực tiếp đến dạ dày, điều này đặc biệt có hại cho những người bị đau dạ dày, viêm loét dạ dày,… Ngoài ra, ăn cay lúc đói bụng có thể gia tăng khả năng tổn thương dạ dày, dễ dẫn đến đầy bụng, ợ nóng, tiêu chảy,…

Không tốt cho dạ dày.
- Dị ứng: điều này vẫn có thể xảy ra tùy vào cơ địa của mỗi người. Những triệu chứng dị ứng có thể xảy ra ngay lập tức khi ăn cay: toát mồ hôi liên tục, chảy nước mắt, nước mũi, hoa mắt, thở gấp, chóng mặt, hạ huyết áp,… Ngoài ra, khi ớt vô tình dính vào những vùng da mỏng và nhạy cảm như da mắt, môi,… sẽ gây ra tình trạng bỏng da, ngứa, rát rất khó chịu.
- Gây nóng trong người: tính nóng của ớt, gừng,… nếu dùng quá thường xuyên sẽ dễ dàng khiến cơ thể nổi mụn, nhọt, mẩn ngứa,…

Ăn cay gây nóng trong người.
- Gây khó ngủ: vì khả năng kích thích sản sinh hormone endorphin tăng hưng phấn nên ăn cay vào buổi tối dễ gây mất ngủ, khó ngủ.
Cách ăn cay an toàn cho sức khỏe
- Làm dịu mát cơ thể và dạ dày của bạn sau khi “lỡ” ăn cay nhiều: uống nước mát, sữa, trà giải nhiệt,… Ngoài ra, bạn có thể ăn thêm trái cây để giảm cảm giác tê rát đầu lưỡi do ớt.

Uống sữa có thể làm dịu sự cay nóng ngay lập tức.
- Không nên ăn cay khi bụng đói để tránh gây hại cho dạ dày.
- Hạn chế ăn các món ăn cay còn nóng. Việc để nguội sẽ giúp món ăn cay ít gây tổn hại đến khoang miệng, vòm họng, giảm cảm giác tê, rát, tình trạng mất vị giác tạm thời.
- Kết hợp món ăn cay cùng nhiều món ăn khác để tránh vị cay tác động quá mạnh đến khoang miệng và dạ dày.
- Dùng ớt nấu chín sẽ giảm kích thích niêm mạc miệng và hạn chế khó tiêu, đầy hơi hơn so với ăn ớt tươi sống.
- Không ăn cay đối với phụ nữ sinh con và cho con bú hoặc khi cơ thể bạn mắc các bệnh về tim mạch, huyết áp, đau dạ dày, viêm túi mật, sỏi mật, trĩ, viêm giác mạc, đau mắt đỏ.
Gia vị cay là bí quyết cho nhiều món ngon đa dạng. Đặc biệt vị cay từ các nguyên liệu tự nhiên còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nếu được dùng một cách hợp lý, khoa học. Bạn hãy lưu ý và cẩn trọng trước khi ăn cay để có được những bữa ăn ngon miệng mà vẫn tốt cho sức khỏe.